Cổ phiếu
Định giá cổ phiếu là quá trình ước tính giá trị hợp lý của một cổ phiếu, hay nói cách khác là xác định xem giá hiện tại của một cổ phiếu hiện đang được định giá thấp hơn hay cao hơn giá trị thực của nó.
Mục tiêu của chuyên mục định giá cổ phiếu tại Kiemtradaovan là:
Giúp nhà đầu tư tìm thấy các cổ phiếu bị định giá thấp. Từ đó tự tìm được cho bản thân cơ hội để mua vào. Còn đối với doanh nghiệp giúp xác định giá trị của công ty. Hỗ trợ huy động vốn, mua bán và sáp nhập (M&A)...
Các phương pháp định giá cổ phiếu:
1. Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis)
Ưu điểm:
- Đây là cách tốt nhất giúp bạn hiểu rõ doanh nghiệp. Cho bạn cái nhìn toàn diện từ tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, đến triển vọng ngành.
- Hiểu rõ giá trị nội tại nằm ở đâu. Cách công ty này kiếm tiền như thế nào. Có những lợi nhuận đột biến nào không. Từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
- Phương pháp này phù hợp để đầu tư dài hạn. Bạn sẽ không cần phải quá theo dõi diễn biến thị trường và ít bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn của thị trường.
Nhược điểm:
- Sẽ bị tốn nhiều thời gian và công sức do phải thu thập, phân tích nhiều dữ liệu.
- Đòi hỏi kiến thức chuyên môn để đánh giá chính xác tiềm năng ngành.
- Kết quả định giá phụ thuộc vào giả định của nhà đầu tư về tương lai.
Nên áp dụng khi:
Tốt nhất bất kỳ cổ phiếu nào bạn định đầu tư bạn cũng phải dành thời gian để phân tích cơ bản. Đây là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất. Giúp bạn khác biệt với 90% nhà đầu tư khác.
Giả sử bạn biết chắc tiềm năng của công ty thì khi thị trường biến động mới có căn cứ để mua thêm. Đúng không?.
Khi bạn muốn có lãi kép trong đầu tư chứng khoán.
2. Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis)
Ưu điểm:
- Hiểu được "lái" muốn gì và cái hay là không bị ảnh hưởng bởi tin tức. Phương pháp nổi tiếng là price action.
- Đây là cách tốt nhất cho những ai thích trường phái ngắn hạn. Vào nhanh ra nhanh.
Nhược điểm:
- Bỏ qua yếu tố tình hình thực tế của doanh nghiệp.
- Dễ bị nhiễu vì biểu đồ giá có thể bị thao túng bởi các nhà đầu tư lớn.
Nên áp dụng khi:
Như mình đã nói phương pháp này phù hợp để đánh ngắn hạn. Người theo phương pháp này phải có đủ dũng khí để cắt lỗ đúng kỷ luật. Và không tham lam.
Cách đánh rất đơn giản. Dựa vào các chỉ báo RSI, MACD, SASS... và Fibonacci thoái lui để xác định kháng cự và hỗ trợ. Khung thời gian 1h - 4h để căn điểm vào lệnh.
Vào 10 lệnh chỉ cần thắng 3-4 lệnh bạn sẽ là người chiến thắng. Vì mình để stoploss chỉ 3% và take profit tầm 7%.
3. Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF)
Ưu điểm:
- Khá khách quan, chỉ dựa trên dữ liệu tài chính thực tế của doanh nghiệp.
- Tính toán giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai.
- Phù hợp với doanh nghiệp có dòng tiền ổn định và dự báo được dòng tiền trong tương lai.
Nhược điểm:
- Phức tạp, khó tính toán đòi hỏi kiến thức tài chính chuyên sâu.
- Mà cũng dễ bị sai lệch nữa. Phụ thuộc vào giả định về tốc độ tăng trưởng, chi phí vốn...
- Đặc biệt không phù hợp với doanh nghiệp mới thành lập. Khó dự báo dòng tiền trong tương lai. Đặc biệt các công ty hay có lợi nhuận bất thường hoặc doanh thu âm.
Nên áp dụng khi:
- Doanh nghiệp có dòng tiền ổn định. Lịch sử trả cổ tức đều đặn, hoạt động kinh doanh ổn định.
- Và bạn phải có đủ kiến thức tài chính. Hiểu rõ về chiết khấu, dòng tiền, định giá...
- Nếu kiến thức đủ tốt mình thấy phương pháp DCF chiếm trọng số trong định giá khá cao và chính xác hơn các phương pháp khác.
4. Phương pháp so sánh (Comparable Company Analysis)
Ưu điểm:
- Đơn giản, dễ thực hiện. Bạn vào các trang tài chính sẽ có sẵn dữ liệu P/E, EPS, BVPS, P/B, ROE, ROA, EV/EBITDA...
Nhược điểm:
- Chỉ dựa trên dữ liệu hiện tại, không tính đến yếu tố tương lai.
- Dễ bị ảnh hưởng bởi bong bóng thị trường. Nếu thị trường bị định giá quá cao, phương pháp này sẽ không chính xác.
Nên áp dụng khi:
- Cần đánh giá nhanh chóng.
- Thị trường ổn định, không có nhiều biến động.
Lưu ý định giá cổ phiếu:
Không được sử dụng P/E để định giá doanh nghiệp tăng trưởng, phương pháp đúng là PEG.
Không được áp dụng DCF cho công ty khởi nghiệp, dòng tiền chưa ổn định.
Lựa chọn nguồn dữ liệu uy tín ví dụ: báo cáo tài chính được kiểm toán, trang tin tức chính thống.
Xây dựng kịch bản tăng trưởng hợp lý, có tính đến các yếu tố rủi ro.